Blogger news

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Hiện tượng nuốt nghẹn có thể là dấu hiệu của các bệnh hiểm nghèo

Hiện tượng nuốt nghẹn không đáng lo nếu chỉ xảy ra khi bạn ăn quá vội vàng hoặc cố nuốt một miếng đồ ăn lớn. Nhưng nếu nó xuất hiện thường xuyên ngay cả khi bạn rất từ tốn và mức độ ngày một nặng hơn thì hãy nghĩ đến một bệnh lý nào đó như u thực quản, phế quản, tim to...
 
Bệnh lý u nang thanh nhiệt :trước mổ Bệnh lý u nang thanh nhiệt :sau mổ
Nuốt nghẹn là cảm giác chẹn lại của thức ăn, nước uống trên đường từ miệng xuống dạ dày. Tùy theo mức độ, biểu hiện của nuốt nghẹn có thể chỉ là cảm giác nuốt vướng hoặc không thể nuốt được. Tình trạng nuốt nghẹn lặp lại nhiều lần, ngày càng nặng có thể là biểu hiện của những bệnh sau:
 - Có khối u thực quản: Thường là ung thư thực quản, đôi khi là khối u lành tính. Bệnh này hay gặp ở người già. Ung thư thực quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây nuốt nghẹn, cần được xác định chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để đến giai đoạn muộn, kết quả điều trị sẽ rất hạn chế.
- Hẹp thực quản: Do rối loạn chức năng vận động của thực quản như co thắt thực quản, giảm nhu động thực quản (thường gặp ở người trẻ và trẻ em).
- Viêm thực quản, có dị vật thực quản (hóc xương...) hoặc túi thừa thực quản.
- Khối u phế quản, khối u phổi (hay gặp ở người già), hoặc hạch to, phình mạch, tuyến giáp to, tim to do bệnh tim (hay gặp ở người trẻ)... gây chèn ép thực quản.
Chú ý: Nếu nuốt nghẹn do tắc nghẽn (ví dụ như khối u làm hẹp lòng thực quản) thì khởi đầu, bệnh nhân nuốt nghẹn với thức ăn đặc, mức độ tăng dần, rồi nghẹn với cả thức ăn lỏng. Nếu nuốt nghẹn do sự co bóp của thực quản thì mức độ thường ít tăng lên; có thể khởi đầu với thức ăn lỏng hay đặc, hoặc với cả 2 dạng thức ăn này.
Cần làm gì khi có cảm giác nuốt nghẹn?
Nếu cảm giác này chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất thì phải theo dõi xem nó có xuất hiện trở lại hay không. Nếu nuốt nghẹn xuất hiện trở lại ngày một nhiều hay mức độ tăng lên thì nên đến cơ sở y tế tìm nguyên nhân và điều trị.
Nếu nghi ngờ nuốt nghẹn do nguyên nhân tại thực quản, các bác sĩ sẽ cho làm nội soi thực quản, đồng thời có thể tiến hành sinh thiết. Nếu nghi ngờ nuốt nghẹn do nguyên nhân ngoài thực quản, bác sĩ sẽ cho chụp tim phổi, chụp cắt lớp hoặc soi phế quản. Quyết định điều trị nội khoa hay phẫu thuật được đưa ra sau khi đã xác định được nguyên nhân.
Theo Bác Sĩ Gia Đình

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Các nguyên nhân gây khàn tiếng


Những người thường xuyên phải nói nhiều, nói to như giáo viên, phát thanh viên, người bán hàng, diễn viên kịch... rất dễ mắc bệnh giọng thanh quản. Biểu hiện thường thấy là khàn tiếng hoặc mất tiếng.
 
Bệnh lý hạt dây thanh 2 bên :trước mổ Bệnh lý hạt dây thanh 2 bên : sau mổ
Bệnh giọng thanh quản ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động nghề nghiệp, có người thậm chí phải nghỉ việc, bỏ nghề.

Tỷ lệ người mắc bệnh giọng thanh quản khá cao, chiếm tới 20%. Bệnh liên quan tới nhiều yếu tố nguy cơ như thời gian làm việc kéo dài, cường độ của giọng lớn, thói quen hút thuốc lá, uống rượu hoặc mắc một số bệnh kèm theo như viêm mũi xoang (chủ yếu là các viêm xoang sau), viêm amidan, viêm dạ dày... Những người làm việc trong môi trường tiếng ồn cao, bụi bẩn, độc hại, nhất là bụi than và bụi hóa chất... cũng dễ mắc bệnh.

Cơ quan phát âm của con người có cấu tạo rất phức tạp. Trong đó, thanh quản đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành lời nói. Lời nói được tạo ra khi có luồng không khí từ phổi đi lên; sự rung động của dây thanh tác động lên cột không khí này, tạo nên âm thanh. Khi phát âm, dây thanh đóng kín, hình dạng dây thanh có thể biến đổi lúc dày, lúc mỏng, khi căng ít, khi căng nhiều... tùy theo nhu cầu phát âm.
Các rối loạn về giọng xuất hiện do sự biến đổi nhất thời hoặc lâu dài của chức năng phát âm. Triệu chứng chủ yếu là khàn tiếng hoặc mất tiếng do sự rung động của dây không đều, hoặc hai dây thanh khép không kín khi phát âm. Thủ phạm là những tổn thương tại chỗ như viêm mạn tính (làm dây thanh dày và cứng, rung động kém), hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, u nang dây thanh... Các biểu hiện khàn, mất tiếng cũng có thể do rối loạn chức năng giọng thanh quản ở tuổi dậy thì, hoặc do nhược cơ dây thanh, bệnh thần kinh, ngộ độc...

Việc điều trị phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị viêm thanh quản cấp, có thể dùng kháng sinh toàn thân, giảm viêm, giảm phù nề, giữ ấm, chườm nóng vùng cổ, kiêng nói hoàn toàn trong 3 ngày. Nếu bị viêm thanh quản mạn tính, cần nghỉ ngơi, hạn chế nói. Điều trị phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp khàn tiếng, mất tiếng do hạt xơ, polyp, u nang dây thanh để bóc tách phần niêm mạc dày cứng...
Để giữ giọng, cần ăn uống và sinh hoạt điều độ, tránh các chất chua cay, hút thuốc lá, uống rượu bia...
(TS. Phạm Trần AnhSức Khoẻ & Đời Sống )

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls