Blogger news

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Lão thị - Bệnh lão thị - Phương pháp phẫu thuật


 KHÁI NIỆM

Khi mắt người bình thường nhìn một vật ở xa thì ảnh của vật đó sẽ được hội tụ đúng ngay lên võng mạc nhờ công suất hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể. Nhờ vậy hình ảnh sẽ rõ nét.

Nếu khi vật đó di chuyển về ở khoảng cách gần mắt hơn thì ảnh của vật lúc này sẽ hội tụ xa dần ra sau võng mạc. Hình ảnh đến một lúc nào đó sẽ mờ đi. Lúc này muốn nhìn được rõ người ta phải dùng một kính hội tụ (như kính lúp hoặc kính lão). Độ của kính hội tụ tùy theo khoảng cách vật để gần mắt đến mức nào, gọi là độ cộng thêm vào (addition). Thường với khoảng cách để đọc sách báo thì cần dùng kính từ +1 đến +3 độ.

Tuy nhiên với người trẻ tuổi thì mắt không cần độ bổ sung này bởi thông qua một phản xạ điều tiết, thủy tinh thể sẽ phồng lên để tạo ra một lực hội tụ giúp đưa ảnh từ sau võng mạc trở về đúng trên võng mạc làm cho mắt nhìn gần luôn luôn rõ. Phản xạ điều tiết này liên quan đến các cơ mi thể, thủy tinh thể và hệ thống dây chằng giữ thủy tinh thể.

Ở người 40 tuổi trở lên, khả năng tự điều chỉnh này kém dần do sự đàn hồi của các tổ chức nói trên suy giảm người ta mới cần dùng kính bổ sung thêm mỗi khi nhìn gần hay đọc sách, gọi là kính lão thị. Hiện tượng này ở người lớn tuổi gọi là lão thị.

II. CÁC CÁCH GIẢI QUYẾT.

Thoạt tiên khi mới bắt đầu lão thị, người ta phải nheo mắt, đưa vật (hoặc trang sách) ra xa, chổ sáng … mới đọc được. Nhưng mắt mau mỏi vì phải gắng điều tiết. Và khi độ lão thị tăng dần lên, người ta bắt buộc phải chọn một trong những cách sau để trợ giúp mắt khi nhìn gần.

1. Điều chỉnh bằng quang học:

Mang kính một tròng, 2 tròng, 3 tròng, đa tròng…

Mang kính tiếp xúc đơn tiêu cự, đa tiêu cự.

2. Điều chỉnh bằng phẫu thuật:

  a. Kính nội nhãn: được sử dụng phối hợp ngay sau khi phẫu thuật cataract. Thường là loại kính nội nhãn (IOL) đa tiêu cự (như Alcon, AMO, Pfizer…) hoặc loại có thể thay đổi công suất thông qua tác động của cơ mi thể (như CrystaLens, Akkomodative 1CU, Smartlens…).
       
b. Tác động lên cơ mi thể: phẫu thuật làm dãn củng mạc, cắt củng mạc phía trước mi thể bằng dao hoặc Laser … nhằm gián tiếp làm chùng hệ thống dây chằng quanh thủy tinh thể, như thế thủy tinh thể sẽ phình ra để tăng công suất hội tụ lên. Phương pháp này hiệu quả trong những trường hợp khởi đầu lão thị và thủy tinh thể còn khả năng đàn hồi tốt hoặc chưa bị thay thủy tinh thể nhân tạo.
        
c. Tác động lên giác mạc:

- Dùng năng lượng sóng vô tuyến (Radiofrequency) đốt phần ngoài giác mạc để làm tăng dần công suất vùng trung tâm giác mạc.

- Dùng Laser Excimer, có thể chỉ điều trị cho 1 mắt trở nên cận thị nhẹ để nhìn gần, mắt còn lại nhìn xa (Monovision). Có thể tác động lên giác mạc theo nhiều vùng với công suất thay đổi dần từ trung tâm ra (Multifocal PRK hoặc Multifocal Lasik). Gần đây, trên nền tảng việc điều trị tật khúc xạ bằng Laser Excimer, người ta đã phát triển một kỹ thuật hoàn thiện hơn nhằm giả lập khả năng điều tiết  trên giác mạc (Pseudo-Accommodative Cornea – PAC). 

III. KỸ THUẬT P.A.C.

Nguyên lý của kỹ thuật này được bác sĩ Alain P. Telandro (Cannes, Pháp) phát triển từ năm 2001, là dùng tia Laser để tạo hình cho giác mạc chu biên trở nên cận thị từ 1 đến 3 độ (tương ứng với độ kính đọc sách hoặc nhìn gần mà bệnh nhân cần sử dụng, giúp bệnh nhân nhìn rõ ở khoảng cách gần). Kế tiếp, phần trung tâm của giác mạc sẽ được tia Laser điều chỉnh bù trừ để trở thành chính thị giúp bệnh nhân nhìn xa rõ. Như vậy bệnh nhân sẽ nhìn thoải mái từ xa đến gần mà không cần phải đeo kính lão thị như trước.

Sơ đồ tác động của tia Laser lên giác mạc để tạo ra những vùng có chức năng nhìn xa – gần khác nhau. Sự chuyển tiếp mềm mại giữa các vùng này còn giúp cho mắt luôn quan sát tự nhiên qua nhiều khoảng cách.

Quá trình tác động của tia Laser chỉ kéo dài trong vài chục giây, không gây tác hại gì cho các bộ phận khác của mắt cả. Cũng như trong phẫu thuật LASIK, bệnh nhân ra về sau mổ mà không cần phải nằm viện. Bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu sau vài giờ và ngày hôm sau có thể làm những việc thông thường.

IV. KẾT QUẢ.

Theo kết quả các công trình của Bác sĩ A. Telandro (Cannes, Pháp) và El Danasoury (Ả rập Saudi) thì LASIK điều chỉnh lão thị trên máy NIDEK có thể phối hợp giải quyết luôn từ +0.75 đến +4.00 độ viễn thị có trước, -0.75 đến -6.00 độ cận có trước cùng với 2 độ loạn thị kèm theo. Thị lực xa sau mổ ≥ 8/10 thị lực gần sau mổ ≥ G1. Đây là một kết quả khả quan.

Phương pháp này đã được ứng dụng thành công nhiều nơi trên thế giới. Bệnh viện Đa Khoa Mắt Sài Gòn là một trong những nơi đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật này, dựa trên nền tảng thành công của việc áp dụng Laser Excimer (LASIK) trong điều trị tật khúc xạ 2 năm qua.

Chắc chắn trong tương lai nó sẽ đem đến cho những người trên 40 tuổi sự thoải mái khi không phải phụ thuộc vào việc đeo kính đọc sách, làm tươi trẻ lại những khuôn mặt khi lấy đi cặp kính lão đeo trể trên sống mũi mỗi khi chúng ta vừa muốn nhìn gần lại vừa muốn nhìn xa.


Bs Nguyễn Đình Bội Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls