Blogger news

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Phẫu thuật khắc phục bệnh lão thị

Vài năm gần đây, kỹ thuật lasik (dùng chữa trị cận, loạn, viễn thị) đã mở ra một bước phát triển mới cho ngành mắt trên thế giới. Ứng dụng của kỹ thuật hiện đại này không dừng lại ở đây, các nhà nhãn khoa ở Nhật, Mỹ đã ứng dụng kỹ thuật này để điều trị lão thị. Đây quả là tin vui cho những người lớn tuổi. Để giúp bạn đọc biết thêm về thông tin này, chúng tôi đã trao đổi với BS Thái Thành Nam, Giám đốc Bệnh Viện Mắt Sài Gòn.
 
Phẫu thuật Lasik tại BV Mắt sài Gòn Ảnh: T.L.
 
-  Đề nghị bác sĩ cho biết đôi nét về lão thị?

 

-  BS Thái Thành Nam: Từ 35 đến 40 tuổi trở lên thường người ta bắt đầu thấy khó khăn khi nhìn gần. Đây là kết quả tất yếu của việc lão hóa thủy tinh thể làm suy giảm khả năng điều tiết của thủy tinh thể. Để đọc sách hay xem một vật gì trong phạm vi 30 - 40cm trở lại người ta phải mang kính hội tụ (gọi là kính lão) mặc dù nhìn xa thì không có gì trở ngại cả.

-  Ngoài việc dùng kính lão, từ trước đến nay ngành nhãn khoa đã có biện pháp nào khắc phục tình trạng này?

- Một số phương pháp phẫu thuật được thử nghiệm, tuy nhiên kết quả không mấy khả quan lắm.

-  Thưa BS, có thông tin cho rằng hiện nay trên thế giới đã dùng kỹ thuật laser để điều trị lão thị?

-  Đúng vậy! Gần đây, trong điều trị tật khúc xạ bằng laser (Laser Excimer) đã phát triển một kỹ thuật nhằm tái lập khả năng điều tiết trên giác mạc. Hai công ty lớn trong lĩnh vực chế tạo máy phẫu thuật Laser Excimer đã phát triển kỹ thuật này thành công là Nidek (Nhật Bản) và Visx (Mỹ). Kỹ thuật này có khả năng giải quyết luôn các tình trạng cận thị, viễn thị hoặc loạn thị có trước trên mắt bệnh nhân lão thị trong một lần điều trị.

-  BS có thể cho biết cụ thể hơn về kỹ thuật này?

-  Nguyên lý của kỹ thuật này là dùng tia laser để tạo hình cho giác mạc chu biên (dùng laser để bào mòn đi) trở nên cận thị từ 1 đến 3 độ (tương ứng với độ kính đọc sách hoặc nhìn gần mà bệnh nhân đang đeo, giúp bệnh nhân nhìn rõ ở khoảng cách gần). Kế tiếp, phần trung tâm của giác mạc sẽ được tia laser điều chỉnh bù trừ (dùng laser bào mòn đi) để trở thành chính thị giúp bệnh nhân nhìn xa rõ. Như vậy bệnh nhân sẽ nhìn thoải mái từ xa đến gần mà không cần phải đeo kính lão thị như trước.

-  Việc sử dụng laser như vậy có gây nên những tác dụng phụ khác?

-  Quá trình tác động của tia laser chỉ kéo dài trong vài chục giây, không gây tác hại gì cho các bộ phận khác của mắt cả. Cũng như trong phẫu thuật lasik, bệnh nhân ra về sau mổ mà không cần phải nằm viện. Bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu sau vài giờ và ngày hôm sau có thể làm những việc thông thường.

-  Kỹ thuật này được ứng dụng trên thế giới và Việt Nam như thế nào?

-  Kỹ thuật này đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng. singapore, Thái Lan cũng đã ứng dụng thành công kỹ thuật này. Tại Việt Nam, ở Hà Nội, Viện Mắt Trung ương cũng đang triển khai kỹ thuật này. Tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, Bệnh viện Mắt Sài Gòn là đơn vị đầu tiên tiếp cận với kỹ thuật này (kỹ thuật Nidek của Nhật Bản) dự kiến sẽ phẫu thuật lão thị vào đầu tháng 3-2006.

-  Vấn đề bạn đọc quan tâm là giá của kỹ thuật này như thế nào?

-  Chi phí phẫu thuật này cũng bằng phẫu thuật lasik để điều trị cận, loạn, viễn thị - tức khoảng 7 triệu đồng/ mắt.


Sơ đồ tác động của tia laser lên giác mạc để tạo ra những vùng có chức năng nhìn xa - gần khác nhau. Sự chuyển tiếp mềm mại giữa các vùng này còn giúp cho mắt luôn quan sát tự nhiên qua nhiều khoảng cách.
HỒNG LAM (Báo SGGP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls