Blogger news

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Các cách chăm sóc mắt


Hiện nay vấn đề chăm sóc và bảo vệ thị giác đang được đặc biệt quan tâm. Muốn đề phòng cận thị học đường, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, y tế và chính bản thân học sinh cũng phải có ý thức giữ gìn đôi mắt. Theo quy định chung về vệ sinh học đường, trong đó có vấn đề vệ sinh thị giác, các nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều biện pháp vệ sinh thị giác như sau:

1. Kích thước và cách sắp xếp cuả bàn, ghế, bảng viết: Phải phù hợp với học sinh ngồi học để có thể nhìn đúng khoảng cách từ mắt đến tập vở, sách và không phải cúi đầu nhiều.

2. Đảm bảo nơi học đủ ánh sáng:

- Ánh sáng chúng ta dùng làm việc gần phải có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng. Cường độ ánh sáng tối thiểu để làm việc gần là 200 lux, nhưng tối đa không quá 500 lux.

- Không nên chỉ dùng 1 ngọn đèn để đọc sách trong phòng tối .

- Cần tránh sự phản xạ bề mặt (đó là các phản xạ từ mặt giấy hoặc màn hình máy tính) khi chúng ta làm việc gần.

- Chúng ta nên sử dụng kết hợp đèn điện bóng tròn và đèn ống.

- Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu sáng từ sau và trên xuống.

- Chúng ta cũng có thể kết hợp ánh sáng nhân tạo và ánh sáng mặt trời. Cả phòng nên được chiếu sáng đầy đủ.

3. Chính bản thân HS khi ngồi học phải giữ đúng tư thế: Ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại, 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10 – 15 độ, không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học, luôn để mắt xa sách, vở một khoảng cách thích hợp. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách gần là khoảng cách Harmon (Harmom – Distance) là khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái hoặc ngón trỏ cong lại đến cùi chỏ.

Với HS cấp III khoảng 35 cm, cấp II: 30 cm, cấp I: 25 cm.

Việc đọc sách quá gần sẽ dẫn đến nỗ lực về thị giác quá lớn do việc gia tăng sức điều tiết và cũng có thể làm xuất hiện và gia tăng độ cận thị.

4. Chữ viết trên bảng và trong tập, sách: Phải to và rõ nét, chiều cao tối thiểu của chữ viết phải bằng 1/200 khoảng cách từ mắt tới chữ.

Ví dụ: - Bàn học xa nhất là 8m, chiều cao chữ viết trên bảng phải nhỏ nhất là 4 cm.

- Chữ trong tập có chiều cao tối thiểu là 1,5 cm cho khoảng cách từ mắt tới tập là 30 cm.

5. Ở nhà: góc học tập phải đặt ở nơi đủ ánh sáng nhưng cũng không nên để ngoài hiên vào những ngày nắng gắt vì ánh sáng hơn 700 Lux cũng gây hại cho mắt.

Nếu học ban đêm, cần có đèn đủ ánh sáng, ngoài ánh sáng phòng ta cần một đèn bàn để phía bên đối diện với tay cầm viết. Đèn phải có chụp phản chiếu. Chiều cao bàn ghế phải phù hợp để tránh nhìn gần và đầu cúi nhiều. Dù học ở nhà, HS cũng không được nằm, quì mà viết bài.

6. Giảm mọi căng thẳng của mắt: không thức quá khuya đọc sách, nhất là học sinh cấp 1 và những em thị lực kém. Hạn chế thời gian xem video, tivi, trò chơi điện tử, vi tính… để ngủ đủ thời gian. Không đọc sách truyện có chữ hoặc hình ảnh lem nhem, chữ quá nhỏ.

7. Nghỉ ngơi thị giác từng lúc:

Đây là động tác tương đối đơn giản nhưng khá hữu hiệu để làm giảm căng thẳng do nhìn gần quá lâu. Theo cách 20-20, tức là cứ mỗi 20 phút làm việc gần, chúng ta nhìn xa 1 khoảng cách là 20 feet tức 6 m.

- Nếu máy tính đang xử lý thông tin hoặc download, chúng ta không nhìn chăm chăm vào màn hình mà nhìn ra xa xung quanh.

- Nếu nhìn ảnh xung quanh bị mờ chúng ta cho mắt nghỉ lâu hơn.

- Không làm bất cứ việc gì phải huy động thị giác gần quá 45 phút, việc nghỉ định kỳ giữa mỗi 45 phút giúp đầu óc chúng ta thư thái hơn, làm giảm sự căng thẳng sau đó chúng ta làm việc sẽ hiệu quả hơn.

- Khi đọc sách chúng ta nên làm dấu cách đó 3-4 trang, đọc đến chỗ làm dấu chúng ta lại đi 1 vòng khoảng vài phút.

8. Khi viết:

Khi cầm viết, ta nên cầm cách đầu viết khoảng 2,5cm để tránh phải nghiêng đầu xem những gì ta đang viết.

Ta nên tập xoay nghiêng theo một góc đồng phương với góc nghiêng của tay cầm bút.

9. Độ nghiêng của sách:

Khi chúng ta đặt sách lên mặt bàn thì khoảng cách từ mắt chúng ta đến đầu trang sách sẽ lớn hơn khoảng cách từ mắt đến cuối trang, điều này dẫn tới mắt chúng ta sẽ bị áp lực nhiều hơn khi đọc đến cuối trang. Do đó chúng ta nên để nghiêng sách 1 góc khoảng 20o (khoảng 10cm).

10. Xem truyền hình:

Chúng ta nên xem ti vi ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình TV, khoảng 3,5m với TV 21 inch.

Chúng ta nên ngồi thẳng khi xem và nên có chiếu sáng trong phòng nhưng tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp màn hình.

Chúng ta cũng nên biết rằng việc xem TV giúp trẻ phát triển ít các kỹ năng về thị giác do đó đối với trẻ em nên giới hạn việc xem TV khoảng 1 đến vài giờ/ngày.

Nếu chúng ta có tậ khúc xạ, nên đeo kính khi xem TV nhằm giúp nhìn rõ và thoải mái về thị giác.

11. Khi tham gia các phương tiện giao thông:

Khi đi tàu xe, máy bay hay xe lửa không nên đọc sách vì chuyển động lắc lư gập ghềnh làm ta phải thay đổi điều tiết liên tục dẫn đến mệt mỏi về thị giác. Ta nên nhìn cảnh vật xung quanh để thư giãn thị giác.

12. 
Tham gia các hoạt động ngoài trời:

HS nên chơi thể thoa và tham gia các hoạt động ngoài trời sau những giờ học căng thẳng để giúp mắt hết căng thẳng. Vì các hoạt động thể thao thường đòi hỏi thị giác xa hơn là thị giác gần.

Đối với học sinh sinh viên cũng như trí thức, việc chơi thể thao cũng làm giảm đáng kể các áp lực về tâm lý; cũng như giúp mắt hết mệt mỏi.

Khi chúng ta đi dạo ngoài trời, chúng ta nên giữ đầu ở tư thế thẳng, mắt mở to và nhìn thẳng về phía trước, nhìn lướt qua sự vật xung quanh chứ không nhìn chăm chú.

13. Ăn uống đầy đủ chất: nhất là các thực phẩm có chức vitamin A như gan động vật, trứng gà, trứng vịt, các lại rau quả có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ… các loại rau có màu xanh lục.

* Riêng đối với học sinh đã bị cận thị rồi, ngoài các điều trên, còn cần phải:

- Nhất thiết phải mang kính và mang kính đúng độ, để mắt nhìn rõ và không phải điều tiết.

- Đo thị lực mỗi đầu học kỳ hoặc mỗi năm một lần để theo dõi mức độ cận; nếu cần phải thay kính đúng độ.

- Kính trợ giúp thị giác gần:

Việc đeo kính trợ giúp cho thị giác gần (đọc sách, học bài, may vá, vẽ tranh hay làm máy tính) là rất cần thiết, đặc biệt đối với người có mắc các tật khúc xạ hoặc có bất đồng khúc xạ.

Kính trợ giúp cho thị giác gần được đeo ngay cả khi bị thị lực là 10/10 và người đó vẫn chưa bị lão thị. Việc đeo kính này giúp làm việc gần thoải mái hơn, kéo dài hơn vì nó làm giảm các nỗ lực về mặt thị giác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls